Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do một số chủng vi khuẩn có tên là Corynebacterium diphtheriae gây ra. Đây là một loại trực khuẩn gram dương hiếu khí, chỉ sản xuất độc tố khi chúng bị nhiễm bởi Corynebacterium mang gen độc tố.
Bệnh bạch hầu có thể xuất hiện ở da, các niêm mạc khác như tai, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng, vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu?
Nguyên nhân gây bệnh bạch hầu là do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae gây ra. Loại vi khuẩn này có 4 tuýp là gravis, intermedius, mitis và belfanti, đều có thể sinh độc tố, gây ra bệnh nghiêm trọng.
Vi khuẩn này có sức đề kháng cao khi ở môi trường bên ngoài và chịu được khô lạnh. Nếu được chất nhầy bao quanh cơ thể, vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày, thậm chí là vài tuần. Một đặc điểm khác của vi khuẩn bạch hầu là sự nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Dưới ánh sáng mặt trời, vi khuẩn sẽ chết sau vài giờ. Với nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ thì vi khuẩn có thể sống được 1 phút.
Bệnh bạch hầu lây lan qua đường gì?
Có 3 nguồn chính lây nhiễm bệnh bạch hầu bao gồm:
- Tiếp xúc giọt bắn trong không khí có vi khuẩn: Bệnh bạch hầu thường lây truyền từ người này sang người khác qua các giọt bắn trong không khí sau khi người bị nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ.
- Tiếp xúc đồ vật bị nhiễm khuẩn: Vi khuẩn gây bệnh có thể tồn tại trong không khí và trên bề mặt đồ vật nhiều ngày. Do đó, việc chạm vào vật các món đồ vật bị nhiễm khuẩn, đặc biệt là đồ dùng cá nhân của người bệnh, sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạch hầu.
- Tiếp xúc với dịch tiết vết thương (vết loét hoặc vết thương hở): Nếu bệnh ở ngoài da, bệnh có thể lây lan qua tiếp xúc với vết thương, vết loét do nhiễm trùng của người bệnh.
Triệu chứng nhận biết bệnh bạch hầu
Tuỳ vào vị trí mà vi khuẩn xâm nhập và gây tổn thương trên cơ thể người bệnh mà người bệnh bạch hầu có thể gặp những triệu chứng khác nhau, cụ thể:
- Bệnh bạch hầu mũi: Bệnh nhân sổ mũi, chảy ra chất mủ nhầy đôi khi có máu, có màng trắng ở vách ngăn mũi. Thể bệnh thường nhẹ do độc tố vi khuẩn ít thâm nhập vào máu.
- Bệnh bạch hầu họng và amidan: Bệnh nhân mệt mỏi, đau cổ họng, chán ăn, sốt nhẹ. Sau 2 – 3 ngày xuất hiện hoại tử, tạo thành lớp giả mạc màu trắng xanh, dai và dính chắc vào amiđan, hoặc có thể lan rộng bao phủ cả vùng hầu họng. Trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể sưng nề vùng dưới hàm và sưng các hạch vùng cổ, làm cổ bạnh ra đôi khi gây khó thở, nhất là ở trẻ nhỏ. Những trường hợp nhiễm độc nặng bệnh nhân sẽ phờ phạc, xanh tái, mạch nhanh, đờ đẫn, hôn mê. Nếu không được điều trị tích cực, những bệnh nhân này có thể tử vong trong vòng 6 đến 10 ngày.
- Bạch hầu thanh quản: Là thể bệnh tiến triển nhanh và nguy hiểm. Bệnh nhân có dấu hiệu sốt nhẹ, khàn tiếng, ho, các giả mạc xuất hiện tại thanh quản hoặc từ hầu họng lan xuống. Nếu không được điều trị kịp thời, các giả mạc có thể gây tắc đường thở, làm bệnh nhân suy hô hấp và tử vong nhanh chóng.
Ngoài những vị trí kể trên, vi khuẩn còn có thể gây bệnh ở một số vị trí khác nhưng những trường hợp này rất hiếm và có tiến triển bệnh nhẹ.
Biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu
Tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly, theo dõi, chẩn đoán và điều trị. Nhà ở của người bệnh, dụng cụ trong phòng, đồ dùng, quần áo của người bệnh phải được tẩy uế và sát khuẩn.
Thực hiện rửa tay đúng quy cách bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
Người tiếp xúc với bệnh nhân bạch hầu cần được sử dụng kháng sinh dự phòng.
Vaccine bạch hầu có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể tránh nhiễm bệnh và làm giảm tỷ lệ mắc bệnh trong quần thể dân số nói chung. Do đó, trẻ em cần được tiêm chủng đầy đủ vaccine (Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván, DPT) theo chương trình tiêm chủng. Người lớn nên tiêm nhắc lại vaccine bạch hầu mỗi 10 năm để củng cố khả năng miễn dịch của cơ thể.
Khi có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc, hay cần được tư vấn đề các vấn đề chăm sóc sức khỏe, các bạn hãy liên hệ với chúng tôi qua:
- Địa chỉ: Số 42 Cách Mạng Tháng 8, P. Long Hương, TP. Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Facebook: https://www.facebook.com/benhviendakhoavanphuoc
- 𝐖𝐞𝐛𝐬𝐢𝐭𝐞: www.benhvienvanphuoc.com
- Hotline CSKH: 0968.149.721
- Số điện thoại cấp cứu: 02543731113
- 𝐄𝐦𝐚𝐢𝐥: benhviendakhoavanphuoc@gmail.com