Thời tiết giao mùa, trẻ thường bị cảm lạnh: sốt, ho, sổ mũi,… là những triệu chứng thường gặp nhất. Trong đó ho là một trong những triệu chứng làm cho trẻ khó chịu nhất và các bà mẹ quan tâm nhất vì ảnh hưởng không ít đến hệ tiêu hóa và hô hấp của trẻ. Sau đây các mẹ hãy cùng tìm hiểu các vấn đề về triệu chứng ho và cách chăm sóc trẻ khi trẻ bị bệnh.
1. Ho là một phản xạ có lợi bảo vệ cho cơ thể của trẻ. Nhờ có phản xạ ho mà cơ thể có thể tống xuất đờm ra ngoài, làm thông thoáng đường thở, giúp trẻ dễ thở hơn. Ngoài ra, phản xạ ho còn giúp tống xuất mầm bệnh ra ngoài. Trong một số trường hợp trẻ ho quá nhiều sẽ khiến trẻ bị nôn ói, đau họng, ăn uống khó khăn, ho nhiều gây tức ngực, khó thở, khó ngủ.
2. Để giúp trẻ giảm bớt triệu chứng ho có nhiều cách như:
– Giữ ấm cơ thể trẻ, sử dụng các phương tiện giải nhiệt hợp lý. Khi trẻ đang bệnh, cha mẹ cần lưu ý vệ sinh thân thể, nhất là vào mùa nắng nóng. Bình thường, chúng ta tắm cho trẻ ngày 1 lần, thì khi trẻ ho chúng ta có thể dùng khăn ấm để lau sẽ có lợi hơn việc tắm thường xuyên. Khi tắm nên chọn nơi kín gió, mặc quần áo vào ngay sau khi tắm để giữ ấm cho cơ thể
– Thường xuyên làm thông đường thở cho trẻ đặc biệt là trước khi ngủ. Tình trạng chảy nước mũi khi trẻ nằm ngủ sẽ khiến mũi bị nghẹt, khó thở rất khó chịu. Mặt khác nước mũi chảy từ từ su họng xuống họng làm trẻ ho nhiều vào ban đêm.
– Cần tránh cho trẻ ăn quá no vào ban đêm vì có thể làm cho trẻ ho nhiều hơn và gây nôn ói.
– Nếu trẻ ho nhiều có thể cho trẻ sử dụng các loại thuốc ho có nguồn gốc thảo dược, an toàn, phú hợp với lứa tuổi của trẻ. Đồng thời, nên cho trẻ súc miệng bằng nước muối 2 lần/ ngày.
3. Những thói quen cần tránh của cha mẹ khi chăm sóc trẻ:
Khi trẻ bệnh, tâm lý chung của cha mẹ là rất lo lắng và tìm đủ mọi cách với hy vọng là con mình sẽ mau khỏe hơn. Tuy nhiên, do tình trạng kém hiểu biết về y học sẽ khiến cho tình trạng bệnh của con ngày càng nặng hơn, sau đây là một số vấn đề cha mẹ cần tránh khi chăm sóc trẻ:
– Khi con ho không cho ăn tôm, cua hay những loại động vật có vỏ cứng vì nghĩ rằng sẽ làm trẻ kích thích và ho nhiều hơn, thậm chí kiêng cả thịt bò, thịt gà. Điều này hoàn toàn không chính xác, vì chỉ những trường hợp trẻ thật sự bị dị ứng mới cần phải kiêng ăn. Cha mẹ nên cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo uống đủ nước, tránh ăn quá no.
– Không cho trẻ uống sữa khi trẻ ho có đờm vì nghĩ rằng điều này sẽ làm cho con nôn ói. Tuy nhiên, khi sữa vào trong dạ dày sữa sẽ bị vón cục lại nên sữa không phải là nguyên nhân gây ho trào đờm và nôn ói. Trong trường hợp này cha mẹ cần chia nhỏ bữa ăn cho trẻ, tránh trào ngược thức ăn gây cho trẻ khó chịu.
– Sử dụng các phương tiện giải nhiệt ( máy lạnh, quạt) như bình thường, nhất là khi trẻ ho trong trường hợp giao mùa, nắng mưa thất thường. Điều này không làm trẻ dễ chịu hơn mà ngược lại còn làm cho bệnh kéo dài và dễ trở nặng hơn. Chỉ cần không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh quá 3 giờ, không bật nhiệt độ dưới 27oC.
4. Một số dấu hiệu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế:
– Ngủ li bì, khó đánh thức
– Không uống được nước, hoặc uống vào bao nhiêu ói ra bấy nhiêu
– Sốt cao liên tục trên 39oC trong 2-3 ngày không giảm
– Ho ra máu, ho khạc đờm màu vàng hoặc màu xanh
– Thở co lõm lồng ngực ( khi hít vào phần dưới lồng ngực bị lõm và hóp vô).
Khi có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc, hay cần được tư vấn đề các vấn đề chăm sóc sức khỏe, các bạn hãy liên hệ với chúng tôi qua:
- Địa chỉ: Số 42 Cách Mạng Tháng 8, P. Long Hương, TP. Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Facebook: https://www.facebook.com/benhviendakhoavanphuoc
- 𝐖𝐞𝐛𝐬𝐢𝐭𝐞: www.benhvienvanphuoc.com
- Hotline CSKH: 0968.149.721
- Số điện thoại cấp cứu: 02543731113
- 𝐄𝐦𝐚𝐢𝐥: benhviendakhoavanphuoc@gmail.com