BỆNH SỞI LÀ GÌ?

Sởi là căn bệnh lây truyền cao do virus gây ra, lây lan dễ dàng từ người bệnh sang người lành khi nói chuyện hoặc hít phải các chất dịch tiết mũi họng văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi. Người mắc bệnh sởi có nguy cơ diễn tiến nặng, gặp các biến chứng, thậm chí là tử vong.

Triệu chứng khi mẹ bầu bị sởi

Các triệu chứng của sởi thường phát triển trong khoảng 8-12 ngày sau khi mẹ bầu tiếp xúc với nguồn lây nhiễm bệnh, nhưng cũng có những trường hợp phải mất tới 21 ngày mới phát triển các triệu chứng.

Mẹ bầu có thể gặp các triệu chứng sau:

1. Giai đoạn khởi phát

  • Sốt cao đến 39-40 độ C, mệt mỏi, đau đầu, chán ăn.
  • Viêm long đường hô hấp trên (hắt hơi, ngạt mũi, chảy nước mũi…).
  • Khàn tiếng do viêm thanh quản.
  • Xuất hiện những nốt trắng nhỏ có kích thước khoảng 0,5-1mm, có quầng ban đỏ nổi gồ trên bề mặt niêm mạc má phía trong miệng hoặc răng hàm trên (còn gọi là hạt Koplik). Những nốt này thường kéo dài trong một vài ngày.

2. Giai đoạn toàn phát

Sau các triệu chứng như cảm lạnh một vài ngày, mẹ bầu bị mắc sởi sẽ bắt đầu xuất hiện triệu chứng phát ban. Phát ban của bệnh sởi là các đốm đỏ, hơi nổi và có thể loang lổ nhưng không ngứa.

Tình trạng phát ban bắt đầu trước tiên ở mặt và sau tai, sau đó lan ra các phần còn lại của cơ thể. Khi phát ban hết toàn thân, triệu chứng sốt sẽ giảm dần. Phát ban có thể kéo dài đến 1 tuần.

3. Giai đoạn hồi phục

  • Các nốt ban nhạt dần và chuyển sang màu xám, bong vảy phấn sẫm màu và để lại vết thâm vằn da hổ. Nốt ban sẽ dần biến mất theo thứ tự xuất hiện. Nếu không xuất hiện biến chứng bệnh sởi sẽ tự khỏi.
  • Người bệnh có thể bị ho kéo dài từ 1-2 tuần sau khi hết tình trạng phát ban.

Nguyên nhân bị sởi khi mang thai

 Virus sởi có khả năng lây lan dễ dàng từ người bệnh sang người lành thông qua những tiếp xúc thông thường như:

  • Tiếp xúc gần với người bệnh như nói chuyện, hôn,…
  • Chạm phải các chất dịch tiết mũi họng văng ra khi người bệnh ho, hắt hơi sau đó đưa lên mắt, mũi, miệng.
  • Dùng chung đồ ăn hoặc thức uống với người bệnh.

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ phụ nữ mang thai bị sởi gồm:

  • Chưa tiêm vắc xin
  • Hệ miễn dịch suy giảm
  • Chế độ dinh dưỡng kém
  • Di chuyển đến vùng đất mới

Biến chứng có thể gặp phải

Bị sởi khi mang thai có thể gây ra nhiều vấn đề cho cả bà bầu và thai nhi. Đối với bà bầu, việc nhiễm trùng sởi tăng nguy cơ nhập viện và viêm phổi. Thai nhi có mẹ nhiễm trùng sởi có nguy cơ sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc trẻ nhẹ cân khi sinh.

  • Trong tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu): Nguy cơ sảy thai hoặc thai lưu là rất cao.
  • Trong tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa): Vẫn có nguy cơ sảy thai hoặc thai lưu nhưng ít hơn.
  • Trong tam cá nguyệt thứ ba (3 tháng cuối): Nguy cơ sinh non hoặc thai chết lưu. Ngoài ra, nếu bà bầu bị mắc sởi vào cuối thai kỳ, virus gây bệnh có thể xâm nhập qua gai rau đi vào cơ thể thai nhi, khiến thai nhi bị nhiễm sởi tiên phát. Tỷ lệ tử vong sơ sinh do biến chứng viêm màng não bán cấp khá cao.

Cách phòng ngừa sởi khi mang thai

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi bệnh sởi là tiêm vắc xin trước khi mang thai. Vắc xin sởi được tiêm dưới dạng vắc xin sởi đơn (MVVAC) hoặc vắc xin dạng phối hợp sởi – quai bị – rubella (MMR). Tối ưu nhất, phụ nữ nên tiêm ngừa ít nhất 3 tháng trước khi mang thai để cơ thể tạo kháng thể chống lại virus.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai cần lưu ý những điều sau:

  • Tránh tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người có triệu chứng nghi ngờ bệnh sởi.
  • Giữ vệ sinh cơ thể và môi trường sống xung quanh để ngăn ngừa bệnh sởi nói riêng, các bệnh truyền nhiễm nói chung.
  • Rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch hoặc sử dụng dung dịch diệt khuẩn.
  • Vệ sinh sát trùng mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
  • Dùng tay hoặc khăn sạch che mũi miệng khi ho, hắt hơi.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học để bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cần thiết.
  • Luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và đến nơi đông người.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *