
Sanh non là khi trẻ được sinh ra ở tuổi thai từ 22 tuần đến trước 37 tuần và cân nặng <2.500g. Thông thường, một thai kỳ bình thường sẽ diễn ra trong 9 tháng 7 ngày (tương đương 40 tuần). Trong Sản khoa chia thành 3 giai đoạn: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.
Mức độ sinh non thường được mô tả theo tuổi thai, thông thường sẽ chia ra 4 mức độ:
- Cực non: Là em bé sinh trước 28 tuần tuổi thai
- Rất non: Là em bé sinh ra từ 28 – 31 tuần 6 ngày
- Non trung bình: Là em bé sinh ra từ 32 – 33 tuần 6 ngày
- Non muộn: Là em bé sinh ra từ 34 – 36 tuần 6 ngày
Trẻ bị sanh non sẽ như thế nào?
– Trẻ nhẹ cân (cân nặng <2.500g)
– Phổi trẻ chưa trưởng thành nên dễ bị suy hô hấp và tử vong. Nếu trẻ sống được cũng dễ mắc các bệnh hô hấp về sau như viêm phổi, viêm phế quản…
– Trẻ chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tâm thần.
Dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như tim bẩm sinh, mù, điếc, câm… Ngoài ra, khi
lớn lên trẻ thường bị những di chứng thần kinh rõ rệt hoặc tiềm tàng và thường
là gánh nặng về tâm lý và tài chánh cho cha mẹ và xã hội.
Tại sao phụ nữ mang thai bị sanh non?
Trên 50% các trường hợp chuyển dạ sanh non không biết được lý do. Một số yếu tố có thể gây sanh non:
– Do thai kỳ: vỡ ối non, đa thai, đa ối, thai dị dạng.
– Do mẹ: bệnh lý của mẹ như: cao huyết áp, viêm đài bể thận, viêm ruột thừa, tử cung dị dạng, hở eo tử cung, tiền căn sanh non, ăn uống kém dinh dưỡng, hút thuốc lá, uống rượu, chấn thương do tai nạn lao động, tai nạn giao thông, lao động nặng nhọc quá sức.
– Do nhau: nhau tiền đạo, nhau bong non, thiểu năng nhau.
Các dấu hiệu nào giúp chẩn đoán sớm chuyển dạ sanh non?
Đó là các dấu hiệu:
-Trì nặng bụng hoặc đau bụng.
-Ra nhớt hồng hoặc dịch nhầy cổ tử cung.
-Đau thắt lưng, đau quặn bụng có thể kèm tiêu chảy.
Bạn cần phải làm gì khi có dấu hiệu dọa sanh non?
– Khi có một trong các dấu hiệu trên, bạn phải đến ngay các cơ sở y tế để khám và chữa trị.
– Tại bệnh viện hoặc điều trị ngoại trú, bạn cần phải nằm nghỉ tại giường tuyệt đối để tử cung bớt gò. Ngoài ra, bác sĩ sẽ cho bạn dùng những loại thuốc để giảm cơn gò tử cung, có thể có dùng thêm thuốc giúp kích thích trưởng thành phổi thai.
– Chế độ ăn uống phải hợp vệ sinh, đầy đủ chất dinh dưỡng, dễ tiêu hoá.
Bạn cần phải làm gì để dự phòng sanh non?
– Đảm bảo khẩu phần ăn cân bằng và đầy đủ.
– Tập thể dục nhẹ không có hại, tuy nhiên cần tránh sự luyện tập quá sức trong lúc mang thai, nhất là ở những thai phụ có nguy cơ cao.
– Không nên hút thuốc lá hay uống rượu.
– Đối với những thai kỳ có nguy cơ sanh non cần kiêng giao hợp vì cơn gò tử cung thường xuất hiện sau khoái cảm.
– Khi có dấu hiệu chuyển dạ sanh non, cần phải đến khám ngay tại các
cơ sở y tế
– Khi có khí hư âm đạo cần phải khám và điều trị thích
hợp vì đây có thể là nguyên nhân của sanh non và vỡ ối sớm.
– Khám thai định kỳ để bác sĩ có những phán đoán chính xác các nguy cơ biến chứng thai kỳ có thể xuất hiện.
Hầu hết tất cả các phụ nữ khi mang thai đều cũng mong muốn được sinh ra những đứa con khỏe mạnh và an toàn.
Chính vì vậy, khi xuất hiện bất cứ một dấu hiệu bất thường nào, mẹ bầu cần tìm đến sự hỗ trợ từ cơ sở y tế để kéo dài thai kỳ, giúp cho thai nhi có thể hoàn thiện đầy đủ các chức năng trước khi chào đời, phòng tránh những nguy cơ có thể đe dọa tới tính mạng, sức khỏe của bé.
Chúc các mẹ sẽ có một thai kỳ an toàn và vượt cạn thành công./.
Khi có bất kỳ băn khoăn, thắc
mắc, hay cần được tư vấn đề các vấn đề chăm sóc sức khỏe, các bạn hãy liên hệ
với chúng tôi qua:
- Địa chỉ: Số 42 Cách Mạng Tháng 8, P. Long Hương, TP. Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
- Facebook: https://www.facebook.com/benhviendakhoavanphuoc
- 𝐖𝐞𝐛𝐬𝐢𝐭𝐞: www.benhvienvanphuoc.com
- Hotline CSKH: 0968.149.721
- Số điện thoại cấp cứu: 02543731113
- 𝐄𝐦𝐚𝐢𝐥: benhviendakhoavanphuoc@gmail.com