Viêm loét dạ dày là một trong những bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến nhất. Khi được phát hiện sớm, bệnh có thể dễ dàng chữa khỏi, nhưng nếu để lâu ngày mà không được điều trị, bệnh sẽ tiến triển nặng và có thể dẫn đến biến chứng.

Viêm loét dạ dày là gì?

Viêm loét dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị tổn thương, viêm sưng, lâu dần tạo thành các vết loét gây triệu chứng. Những vết loét nhỏ trong giai đoạn đầu có thể tự lành lại mà không cần điều trị. Tuy nhiên, đối với các vết loét lớn, gây nhiều triệu chứng, người bệnh cần đến gặp ngay bác sĩ để được thăm khám và có phương án điều trị hiệu quả nhất.

Nguyên nhân gây bệnh viêm loét dạ dày

Viêm loét dạ dày có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra. Trong đó, hai nguyên nhân phổ biến nhất là:

1. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter. pylori (vi khuẩn HP)

Nhiễm H.pylori là nguyên nhân hàng đầu gây viêm loét dạ dày. Sau khi xâm nhập vào dạ dày, vi khuẩn này sẽ chui vào lớp nhầy của niêm mạc dạ dày, tiết ra độc tố làm tổn thương niêm mạc dạ dày, ức chế sản xuất yếu tố bảo vệ niêm mạc dạ dày hình thành các vết loét.

2. Sử dụng lâu dài thuốc chống viêm không steroid (NSAID)

Việc sử dụng các loại thuốc NSAID như ibuprofen, naproxen, diclofenac… trong thời gian dài sẽ khiến dạ dày bị tổn thương. Các loại thuốc này gây ức chế quá trình tổng hợp prostaglandin, làm giảm hiệu quả bảo vệ niêm mạc dạ dày, khiến dạ dày dễ bị viêm loét.

Ai là đối tượng dễ mắc bệnh viêm loét dạ dày?

Viêm loét dạ dày có thể xảy ra ở bất cứ đối tượng nào, người có các yếu tố nguy cơ sau dễ mắc phải căn bệnh này hơn:

1. Thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu/các thức uống có cồn khác

2. Hay căng thẳng, lo lắng

3. Ăn uống, sinh hoạt không điều độ, thiếu khoa học

Các triệu chứng của bệnh viêm loét dạ dày

Triệu chứng của viêm loét dạ dày rất đa dạng. Trong đó, triệu chứng phổ biến nhất là cảm giác nóng rát, cồn cào và đau ở vùng bụng trên rốn (đau vùng thượng vị). Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến khác của bệnh bao gồm:

  • Đầy hơi, khó tiêu
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Dễ cảm thấy no khi ăn hoặc không muốn ăn vì cơn đau
  • Ợ hơi, ợ chua hoặc trào ngược axit
  • Khó ngủ, ngủ không ngon giấc
  • Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
  • Đi cầu phân đen hoặc máu
  • Sụt cân.

Các biến chứng của viêm loét dạ dày

  • Xuất huyết tiêu hóa: Đây là một trong những biến chứng viêm loét dạ dày thường gặp nhất. Tình trạng này có thể khiến người bệnh bị mất máu, gây chóng mặt, da nhợt nhạt, nôn ra máu hoặc phân có màu đen.
  • Thủng dạ dày: Vết loét lâu ngày có thể khiến dạ dày bị thủng, gây ra hiện tượng đau bụng đột ngột, dữ dội.
  • Hẹp môn vị: Môn vị là vị trí nằm ở cuối dạ dày, nơi tiếp nối với hành tá tràng. Viêm loét dạ dày có thể hình thành các mô viêm xơ ở vị trí này, ngăn cản quá trình vận chuyển của thức ăn trong hệ tiêu hóa. Một số triệu chứng thường gặp của hẹp môn vị là nôn ói, bụng óc ách thức ăn cũ và sụt cân nhanh.
  • Ung thư dạ dày: Viêm loét dạ dày là một trong những yếu tố nguy cơ hình thành các khối u ác tính ở dạ dày.

Cách phòng tránh viêm loét dạ dày

Việc xây dựng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học hơn có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh viêm loét dạ dày. Những người có nguy cơ cao bị loét dạ dày nên bổ sung các loại thực phẩm sau trong khẩu phần hàng ngày của mình:

  • Trái cây và rau quả
  • Chất xơ
  • Probiotics (Lợi khuẩn)
  • Vitamin C
  • Kẽm
  • Selenium (Selen)

Ngoài chế độ ăn uống, việc hình thành các thói quen sau cũng giúp ích cho việc ngăn ngừa viêm loét dạ dày:

  • Bỏ hút thuốc lá, tránh rượu và caffein
  • Hạn chế sử dụng Ibuprofen, aspirin và naproxen (NSAID) hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ về việc chuyển sang sử dụng các loại thuốc khác có tác dụng tương tự
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước để tránh nguy cơ nhiễm trùng
  • Ăn chín, uống sôi, hạn chế ăn hàng quán
  • Học cách kiểm soát căng thẳng.

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *