I. Vì sao trẻ cần bú mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời?

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bú mẹ có lợi cho cả mẹ và con. Trẻ cần được bú sữa non, bú ngay trong vòng một giờ đầu sau sinh. Trẻ cần được nuôi bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ đến 24 tháng.

Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, sau khi sinh, mẹ nên cho trẻ bú ngay để trẻ được tận hưởng dòng sữa non đầu đời giàu dinh dưỡng. Theo các bác sĩ chuyên khoa mẹ và bé, nếu cho bé bú không đúng cách có thể gây khó chịu cho cả hai mẹ con, bé có thể quấy khóc vì không uống được hoặc uống rất ít sữa mẹ, mẹ thì có thể bị căng sữa, đau rát đầu vú, và nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến mất sữa.

Bắt đầu cho trẻ bú ngay trong 1 giờ đầu sau khi sinh. Việc cho bú ngay sau sinh giúp trẻ được cung cấp chất dinh dưỡng cần nhất cho trẻ mới ra đời, giúp co hồi tử cung, tránh mất máu mẹ và giúp mẹ bài tiết sữa sớm. Trong 6 tháng đầu, trẻ chỉ cần bú mẹ, không cần ăn bất kỳ thức ăn hay đồ uống nào khác, tiếp tục cho trẻ bú đến khi trẻ được 24 tháng.

II. Nhu cầu bú của trẻ

Trẻ cần được bú theo nhu cầu, thường xuyên như trẻ muốn, cả ngày lẫn đêm. Số lần bú khoảng 8-12 lần trong 24 giờ phụ thuộc vào kích cỡ dạ dày của trẻ.  Kích cỡ dạ dày của trẻ: thể tích dạ dày của trẻ mới sinh như sau: 1-2 ngày: 5-7ml (quả nho); 3-4 ngày: 22-27ml (quả chanh) và 10 ngày: 60-80ml (quả trứng gà).

Trẻ càng bú nhiều, mẹ càng tiết nhiều sữa. Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối giàu dinh dưỡng.

III. Dấu hiệu trẻ đòi bú mẹ

  • Xoay xở, không nằm yên.
  •  Há miệng và quay đầu sang hai bên.
  • Đưa lưỡi ra vào.
  •  Mút ngón tay hoặc mút nắm tay.

Mỗi lần cho trẻ bú kéo dài chừng nào trẻ còn muốn bú cho đến khi trẻ tự nhả vú ra. Nếu một lần bú kéo dài hơn nửa tiếng hoặc các lần bú quá gần (các lần chỉ cách nhau 1-1,5 tiếng) là dấu hiệu trẻ không được ngậm bắt vú đúng và bú không có hiệu quả, cần kiểm tra đánh giá lại.

Nếu trẻ đi tiểu ít nhất 6 lần trong vòng 24 giờ, đó là dấu hiệu của bú mẹ đủ (trong 2 ngày đầu khi bú sữa non thì chỉ làm ướt 1-2 tã/ngày). Nếu không, cần cho bú mẹ thêm hoặc kĩ thuật cho bú cần được xem xét lại có đúng hay không.

Khi trẻ bị ốm (bệnh), vẫn tiếp tục cho trẻ bú, cần cho bú thường xuyên hơn và lâu hơn.

Không nên cho trẻ bú bình. Nếu trẻ bú bình trước khi bú mẹ lần đầu thì trẻ khó có thể mút vú có hiệu quả. Thậm chí những trẻ đã bú mẹ trong vài tuần sau đẻ rồi bú bình, đến khi bú mẹ lại vẫn có thể bú không hiệu quả.

III. Tư thế bé bú

  • Tùy điều kiện mẹ có thể cho trẻ bú ở tư thế nằm hay ngồi nhưng phải đảm bảo bà mẹ và trẻ đều ở tư thế thoải mái, thư giãn.
  • Đầu và thân trẻ phải nằm trên cùng một đường thẳng.
  • Bụng trẻ áp sát vào bụng mẹ.
  • Mặt trẻ quay vào vú mẹ và mũi trẻ đối diện với núm vú.
  • Ngoài đỡ đầu và mông, cần phải đỡ mông trẻ nếu là trẻ sơ sinh

IV. Cách ngậm bắt vú đúng

  • Quầng vú ở phía trên miệng trẻ còn lại nhiều hơn quầng vú ở phía dưới.
  • Miệng trẻ mở rộng.
  • Môi dưới hướng ra ngoài.
  • Cằm trẻ chạm vào vú mẹ.              

Đồng hành trọn vẹn cùng người phụ nữ từ giai đoạn khám tiền hôn nhân, trước khi mang thai, trong thai kỳ cho đến sau khi sinh, Bệnh viện Vạn Phước  là địa chỉ tin cậy chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ. Mẹ hoàn toàn có thể khám thai kết hợp khám phụ khoa với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, tận tình tư vấn và điều trị nếu mẹ gặp bất kỳ vấn đề bất thường nào. 

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *