1. Trẻ bị rôm sảy là do đâu?

Khi các tuyến mồ hôi của trẻ bị tắc nghẽn sẽ dẫn đến sự hình thành của các đốm rôm sảy trên da. Nguyên nhân của hiện tượng này thường là do:

  • Tuyến mồ hôi của trẻ phát triển chưa hoàn thiện: điều này khiến mồ hôi không được tiết ra đều đặn, cùng tế bào chết và bụi bặm tích tụ dưới da, bít tắc lỗ chân lông gây ra tình trạng rôm sảy. Nhất là vào mùa hè khi thời tiết nóng nực, tần suất bài tiết mồ hôi ở trẻ sẽ nhiều hơn và trẻ càng bị rôm sảy.
  • Trẻ đang bị ốm sốt: trẻ sẽ bị tăng thân nhiệt, tiết ra nhiều mồ hôi hơn khi bị ốm sốt và dẫn tới rôm sảy.
  • Trẻ mặc quá nhiều quần áo bí bách: nhiều bậc phụ huynh vì sợ con bị lạnh nên đã cho con mặc quá nhiều lớp quần áo vào mùa đông. Thực chất cha mẹ chỉ nên cho trẻ mặc vừa đủ ấm và kiểm tra thân nhiệt thường xuyên cho bé. Mặc quá nhiều quần áo đôi khi không giúp trẻ cảm thấy ấm hơn mà còn làm trẻ nóng toát nhiều mồ hôi, lượng mồ hôi này không được thoát ra ngoài sẽ làm hình thành nốt rôm sảy và có thể khiến trẻ bị cảm lạnh.
  • Sản phẩm giặt, xả vải và tắm gội không phù hợp với trẻ: nếu trong các sản phẩm này chứa những hóa chất như chất tẩy rửa, chất tạo hương liệu, chất bảo quản,… không phù hợp với làn da của trẻ có thể khiến da trẻ bị kích ứng và nổi mẩn đỏ. 

2. Cách đối phó với những nốt rôm sảy ở trẻ sơ sinh

Tuy rằng rôm sảy ở trẻ sơ sinh là tình trạng không hiếm gặp, có thể hết trong thời gian ngắn nhưng nếu không biết chăm sóc trẻ đúng cách thì có khả năng trẻ sẽ bị nhiễm trùng da do rôm sảy. Khi làn da trẻ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng của rôm sảy thì cha mẹ hãy áp dụng những phương pháp điều trị sau:

2.1. Phương pháp dân gian 

Một số phương pháp dân gian có thể giúp làn da trẻ bớt ngứa ngáy khó chịu đó là tắm cho bé với nước lá trà xanh, lá kinh giới, trái mướp đắng hay lá tía tô,… Đây đều là những loại lá, quả lành tính, an toàn, giúp kháng khuẩn tốt và khả năng làm dịu các nốt rôm sảy khá hiệu quả.

Trước khi tắm cho bé bằng các loại nước này, cha mẹ có thể thử bôi trước lên da bé một lượng nhỏ lá hoặc quả này nhằm kiểm tra nguy cơ dị ứng. Nếu sau đó một vài giờ, vùng da thử không có hiện tượng gì bất thường thì mẹ hãy áp dụng cho bé. 

Các lưu ý khác cha mẹ cần ghi nhớ:

  • Rửa sạch sẽ nguyên liệu, ngâm trong nước muối để loại bỏ bụi bẩn ở lá và quả.
  • Lựa chọn những sản phẩm tắm gội lành tính cho da của bé. Sau một lần tắm gội với sữa tắm thì cha mẹ mới cho bé tắm nước lá.
  • Tráng lại người bé bằng nước sạch.
  • Có thể cho một chút muối hoặc vài giọt chanh vào nước tắm của trẻ. Tuy nhiên không nên cho quá nhiều vì sẽ dễ làm kích ứng da bé.
  • Nếu da của bé có các dấu hiệu sưng đỏ, trầy xước hay mưng mủ thì tuyệt đối không được dùng nước lá tắm.

2.2. Các biện pháp điều trị khác

Ngoài việc điều trị bằng tắm nước lá, cha mẹ có thể áp dụng những biện pháp sau để khắc phục chứng rôm sảy ở trẻ sơ sinh:

  • Làm mát da bé: mẹ có thể tắm cho bé bằng nước ấm rồi dùng khăn mềm lau khô người cho bé. Khi lau mẹ nhớ thao tác nhẹ nhàng. Ngoài ra hãy sử dụng thêm máy lọc không khí trong nhà, dùng quạt khi thời tiết oi bức, chườm mát cho những vùng da của trẻ đang bị nổi rôm sảy.
  • Dùng kem bôi rôm sảy theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ.
  • Lựa chọn sản phẩm giặt xả phù hợp: loại nước giặt xả của trẻ nên dùng riêng vì da trẻ sơ sinh rất nhạy cảm. Cha mẹ hãy chọn sản phẩm dành cho trẻ nhỏ, loại chứa ít hóa chất và hương liệu.
  • Không để trẻ cào cấu hay gãi mạnh vào vùng da bị rôm sảy vì sẽ làm xước da, khiến vi khuẩn dễ tấn công vào vùng trầy xước và dẫn tới nhiễm trùng.

2.3. Những thực phẩm nên bổ sung cho bé 

  • Giải nhiệt cho trẻ bằng các loại nước uống: một số loại nước từ thực vật thiên nhiên có tính hàn, công dụng giải nhiệt, mát gan và chữa táo bón rất tốt cha mẹ nên cho bé thử đó là nước râu ngô và nước rau má. 
  • Trái cây tính mát: nên lựa chọn trái cây mọng nước chứa nhiều vitamin C, vừa giúp thanh nhiệt, giải độc lại vừa ngon miệng, ví dụ như nước cam, dưa leo, dâu tây,… mẹ có thể cho bé ăn trực tiếp hoặc xay thành nước sinh tố để bé uống.
  • Rau củ quả: có rất nhiều loại rau củ giúp giải nhiệt, sát khuẩn và có lợi cho hệ tiêu hóa  cha mẹ nên bổ sung cho con đó là rau dền, đậu xanh và khoai lang.

Lưu ý: đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa ăn dặm thì mẹ chỉ nên tăng cường cho bé bú nhiều hơn và nếu trẻ uống sữa công thức thì ưu tiên loại sữa mát.

3. Cách phòng tránh rôm sảy ở trẻ sơ sinh

Để ngăn ngừa tình trạng rôm sảy xuất hiện ở trẻ, cha mẹ nên:

  • Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, chất liệu mềm mại dễ thấm mồ hôi, rộng rãi.
  • Giữ cơ thể trẻ luôn khô ráo, sạch sẽ, không để mồ hôi đọng quá lâu trên da của trẻ.
  • Tăng cường bổ sung đủ nước cho cơ thể trẻ, nhất là nước trái cây dồi dào vitamin C để tăng miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh.
  • Mùa đông không nhất thiết phải cho trẻ mặc quá nhiều quần áo dày.
  • Không nên cho trẻ ra những nơi tụ tập đông người khi thời tiết nóng bức.

Nếu trẻ bị rôm sảy trong nhiều ngày liền, kéo dài trên 1 tuần, có xu hướng lan rộng tới các vùng da khác trên khắp cơ thể hoặc xuất hiện các triệu chứng bội nhiễm như da đau, nóng, sưng đỏ, vết rôm sảy chảy mủ, sốt, ớn lạnh, sưng hạch nách, bẹn hay vùng cổ,… thì cha mẹ cần lập tức đưa trẻ đi khám ở các cơ sở y tế để tránh để lại biến chứng nghiêm trọng.

Khi có bất kỳ băn khoăn, thắc mắc, hay cần được tư vấn đề các vấn đề chăm sóc sức khỏe, các bạn hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *