1. VIÊM TAI NGOÀI LÀ GÌ

Viêm tai ngoài là tình trạng viêm phần ống tai ngoài. Các tình trạng như nhiễm trùng, dị ứng và các bệnh về da… đều có thể dẫn đến viêm tai ngoài. Trong đó, nhiễm vi khuẩn cấp tính là nguyên nhân thường gặp nhất.

Viêm tai ngoài có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ nhũ nhi (< 12 tháng tuổi). Tình trạng viêm tai ngoài thường gặp nhất ở trẻ em và giảm dần theo độ tuổi.

Bệnh lý này thường gặp vào mùa hè, khu vực độ ẩm môi trường cao, ở những người thường xuyên chơi thể thao hoặc tham gia các hoạt động dưới nước.

2. TÌM HIỂU VỀ CẤU TRÚC & CƠ CHẾ BẢO VỆ SINH LÝ CỦA ỐNG TAI

Ống tai ngoài là ống hình trụ dài khoảng 2,5 cm, rộng khoảng 7 – 9 mm, mở rộng từ sụn vành tai phía ngoài đến màng nhĩ. Ống tai ngoài được chia làm 2 phần: 1/3 ngoài được cấu tạo bởi sụn và 2/3 trong được cấu tạo từ xương. Phần sụn được lót bởi lớp da dày và có nhiều cấu trúc dưới da: tuyến ráy tai, tuyến nhờn và nang lông. Phần xương bên trong được lót bởi lớp da mỏng và không có mô dưới da.

* Cơ chế bảo vệ sinh lý của ống tai bao gồm:

+ Sụn bình tai và sụn hố thuyền giúp che lại lỗ ống tai 1 phần, từ đó giúp ngăn ngừa ngoại vật.

+ Nang lông và các rãnh khe trong ống tai giúp ngăn sự xâm nhập của chất ô nhiễm bên ngoài.

+ Ráy tai tạo ra môi trường acid trong ống tai, giúp ức chế sự phát triển của nấm và vi khuẩn. Lớp dầu trong ống tai giúp ngăn sự xâm nhập của nước. Độ quánh của ráy tai giúp bắt giữ các dị vật.

Một khi hàng rào bảo vệ của ống tai bị phá vỡ (có thể do người bệnh móc, ngoáy quá mức hoặc do chấn thương), đó là bước đầu tiên của sinh bệnh học của viêm tai ngoài. Tình trạng viêm và phù nề dẫn đến ngứa và bít tắc ống tai. Khi bị ngứa, người bệnh sẽ dễ có xu hướng dùng tay hay dụng cụ móc ngoáy nhiều hơn, từ đó làm nặng thêm tình trạng bệnh, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn.

* Một vài yếu tố nguy cơ có liên quan đến viêm tai ngoài:

+ Bơi lội hoặc hoạt động trong môi trường nước

+ Chấn thương: dùng tay gãi hoặc dùng tăm bông móc ngoáy thường xuyên

+ Đeo các thiết bị hỗ trợ (trợ thính, earphones, nút bịt ống tai) thường xuyên

+ Viêm da cơ địa dị ứng: chàm, vảy nến, viêm da tiếp xúc (do đeo khuyên tai…)

+ Liệu pháp tia xạ trước đó làm thiếu máu nuôi da, thay đổi tính chất ráy tai và gây ứ đọng…

3. DẤU HIỆU CỦA VIÊM TAI NGOÀI:

Triệu chứng cơ năng: đau tai, ngứa tai, chảy dịch tai, nghe kém hoặc ù tai…

Triệu chứng thực thể:

+ Khi khám tai bằng đèn Clar, người bệnh có thể bị đau khi bác sĩ kéo hoặc sờ vào vành tai, có thể thấy dịch chảy ra từ ống tai hoặc bít cửa ống tai.

+ Nội soi tai: là cần thiết để phân biệt viêm tai ngoài với viêm tai giữa và các bệnh lý khác ở tai.

Qua nội soi, các dấu hiệu của viêm tai ngoài có thể được quan sát: đỏ da, phù nề da ống tai, ứ đọng nhiều ráy tai cùng với dịch tiết hoặc mủ; đôi khi có thể thấy nấm mọc trong ống tai; màng nhĩ có thể sung huyết.

Phân độ nặng: dựa vào triệu chứng và dấu hiệu khi thăm khám, bệnh viêm tai ngoài có thể được phân thành 3 mức độ nặng:  

+ Mức độ nhẹ: người bệnh chỉ cảm thấy không thoải mái hoặc ngứa nhẹ trong tai. Ống tai phù nề nhẹ.

+ Mức độ trung bình: đau và ngứa tai mức độ vừa. Ống tai bị bít tắc một phần.

+ Mức độ nặng: đau tai nhiều, ống tai bị bít hoàn toàn do phù nề, đôi khi có dấu hiệu ban đỏ vùng quanh tai, vành tai, sưng hạch cổ và sốt.

4. CHẨN ĐOÁN

Chẩn đoán bệnh viêm tai ngoài chủ yếu dựa vào tiền sử, bệnh sử và dấu hiệu khi thăm khám.

Tuy nhiên, một số trường hợp viêm tai ngoài sau đây cần phải được cấy mủ định danh tác nhân gây bệnh:

+ Viêm tai ngoài mức độ nặng

+ Viêm tai ngoài tái phát thường xuyên

+ Viêm tai ngoài mạn tính trên người bệnh suy giảm miễn dịch (sau cấy ghép tạng, nhiễm HIV, đang điều trị hóa trị hoặc xạ trị…)

+ Nhiễm trùng sau phẫu thuật tai

+ Viêm tai ngoài không đáp ứng với điều trị ban đầu

Chẩn đoán phân biệt: cần phân biệt viêm tai ngoài do vi khuẩn với nấm ống tai, viêm tai giữa mủ mạn tính, viêm da ống tai do tiếp xúc, vảy nến, ung thư ống tai ngoài… để có hướng điều trị phù hợp và hiệu quả.

5. ĐIỀU TRỊ:

Điều trị viêm tai ngoài bao gồm: làm sạch tai, điều trị viêm nhiễm và kiểm soát đau.

Làm sạch ống tai: người bệnh cần được làm sạch ống tai qua nội soi, được thực hiện bởi bác sĩ Tai Mũi Họng. Việc làm sạch ráy tai, nấm, mủ sẽ giúp tình trạng phục hồi tốt hơn và giúp cho việc nhỏ thuốc tai được hiệu quả.

Điều trị viêm và nhiễm trùng: người bệnh sẽ được cho thuốc kháng sinh và kháng viêm nhỏ tai hoặc uống kết hợp tùy từng tình trạng và mức độ bệnh cụ thể.

Đối với các trường hợp viêm tai ngoài nặng nguy cơ biến chứng thì cần được xem xét cho nhập viện điều trị.

Kiểm soát đau: kết hợp thuốc giảm đau với việc làm sạch ống tai qua nội soi sẽ giúp bệnh nhân giảm hiệu quả.

Ngoài ra, trong quá trình điều trị, người bệnh nên vệ sinh sạch vành tai và cửa ống tai bằng tăm bông tẩm nước muối sinh lý. Bệnh nhân cần tránh để nước vô tai bằng cách dùng nút gòn để bít ống tai khi tắm, hạn chế bơi lội hoặc các hoạt động dưới nước khác (có thể dùng nút tai bảo vệ khi cần), không dùng tăm bông hoặc các dụng cụ để móc tai thường xuyên.

6. BIẾN CHỨNG:

Nếu không được điều trị kịp thời hoặc thích hợp, bệnh viêm tai ngoài có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm sau:

– Viêm mô tế bào quanh tai: biểu hiện với dấu hiệu ban đỏ, phù nề, sờ da thấy nóng, đau mức độ nhẹ; triệu chứng toàn thân ít gặp.

– Viêm tai ngoài ác tính: còn gọi là viêm tai ngoài hoại tử là biến chứng nặng và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, thường gặp ở những người bệnh đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.

Bệnh xuất hiện khi tình trạng nhiễm trùng lan vào xương và tủy xương ở nền sọ (cũng như sụn và mô mềm vùng thái dương). Người bệnh có biểu hiện đau tai nhiều, chảy dịch mủ nhiều, mô hạt xuất hiện ở phần khớp sụn – xương trong ống tai, phù nề, ban đỏ, liệt thần kinh sọ cho thấy tiên lượng xấu. Lúc này, chẩn đoán của bác sĩ cần dựa vào hình ảnh nội soi tai, chụp CT scan và MRI vùng tai để khảo sát mức độ tổn thương.

Khi có những vấn đề bệnh lý về tai mũi họng, thắc mắc, hay cần được tư vấn đề các vấn đề chăm sóc sức khỏe, các bạn hãy liên hệ với chúng tôi qua:

Trả lời

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *